Lịch sử Son_môi

Cận cảnh son môi đỏ

Sumer

Đàn ông và phụ nữ Sumer cổ đại có thể là những người đầu tiên phát minh và thoa son môi, khoảng 5.000 năm trước.[1] Họ nghiền đá quý và sử dụng chúng để trang trí khuôn mặt, chủ yếu trên môi và xung quanh mắt. Khoảng năm 3500 trước công nguyên, nữ hoàng Schub-ad người Sumer được cho là người đầu tiên sử dụng son môi màu. Bà đã làm đẹp cho đôi môi của mình bằng màu sắc được tạo ra từ chì trắngđá đỏ nghiền vụn. Dù lúc ấy son môi khá độc hại nhưng nó không thể cản được những người phụ nữ muốn sử dụng và trải nghiệm loại sản phẩm này.[2]

Hy Lạp

Ở đế chế Hy Lạp, vào năm thứ 1000 trước Công Nguyên, gái mại dâm dùng son môi để phân biệt họ với những phụ nữ quý tộc. Tuy nhiên cho đến năm 700 trước Công Nguyên, phụ nữ Hy Lạp đã sử dụng son môi mà không quan tâm đến địa vị xã hội. Họ tạo ra màu son bằng những nguyên liệu kì lạ như rong biển, hoa, quả berry nghiền, đất hoàng thổ đỏ, phân cá sấu và các loại nhựa thông khác.[2]

Ai Cập

Người Ai Cập cổ đại tô son môi để phô bày địa vị xã hội hơn là giới tính.[3] Phụ nữ Ai Cập cổ đã sử dụng đất hoàng thổ đỏ, màu đỏ son và các sắc tố khác để tạo ra một loạt các sắc thái từ màu cam cho đến hồng và đen.[2] Họ chiết xuất chất màu đỏ từ fucus-algin, 0,01% iốt và một số mannite brom để tạo ra màu tím đậm. Nhưng chất nhuộm này chứa kim loại nặng dẫn đến bệnh tật nghiêm trọng, gây ra cái chết cho rất nhiều người, vì vậy mà những loại son môi này còn được gọi là " nụ hôn thần chết".[2] Son môi với các hiệu ứng lung linh ban đầu được làm ra bằng cách sử dụng chất phát ngũ sắc có trong vảy cá.[4]

Nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập người rất yêu thích trang điểm.[5] Bà thường tô môi màu đậm. Tương truyền rằng son môi được nữ hoàng thoa là một loại màu không độc hại làm bằng sáp ong pha trộn với bọ cánh cứng hoặc kiến nghiền nhỏ tạo nên màu đỏ son. Để có thể có được một lớp son bóng, bà đã sử dụng vảy cá để tạo được vẻ óng ánh.[2]

Vương quốc Anh

Một phụ nữ tô son môi dạng hộp trang điểm tại Washington D.C., 1943

Chất nhuộm màu môi bắt đầu phổ biến vào thế kỷ XVI tại Anh. Dưới thời kỳ Nữ hoàng Elizabeth I, đôi môi đỏ tươi sáng và một khuôn mặt trắng bệch đã trở thành mốt thời thượng.[6] Công thức son môi của nữ hoàng bao gồm phẩm son, cao su Ả Rập, lòng trắng trứng và sữa quả sung. Quần thần dưới triều nữ hoàng Elizabeth cũng sáng chế ra loại kẻ viền môi đầu tiên bằng cách trộn thạch cao Paris với sắc tố đỏ và sau đó cuộn thành hình dạng cây bút chì rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.[2] Vào thời điểm đó, son môi đã được sản xuất bằng cách pha trộn sáp ong và chất nhuộm đỏ từ thực vật. Thời đó chỉ phụ nữ tầng lớp thượng lưu và diễn viên nam mới trang điểm son môi.[7]

Trong suốt cả thế kỷ XIX, việc sử dụng công khai mỹ phẩm đã không được chấp nhận ở Anh đối với phụ nữ đáng kính và chỉ những người có vị thế xã hội thấp như diễn viên và gái mại dâm dùng son môi. Dùng mỹ phẩm trang điểm được xem là trắng trợn và bất lịch sự.[5] Vào những năm 1850, các báo cáo xuất bản đã cảnh báo phụ nữ về sự nguy hiểm khi sử dụng chì và chu sa khi dùng mỹ phẩm trên khuôn mặt. Dưới triều đại nữ hoàng Victoria (1837-1901), chính nữ hoàng đã chống lại việc trang điểm và phụ nữ phải trông chờ vào mỹ phẩm buôn lậu từ Pháp, trong khi số khác lại phải đến những nơi xa xôi để có thể tô son bằng cách dùng giấy kếp ẩm, ruy băng, cắn môi hay thấm môi bằng rượu vang đỏ.[2] Đến cuối thế kỷ XIX, Guerlain, một công ty mỹ phẩm của Pháp, bắt đầu sản xuất son môi. Son môi thương mại đầu tiên được phát minh vào năm 1884, bởi những nhà sản xuất nước hoa tại Paris, Pháp, dành cho khách hàng quý tộc. Thỏi son được bao phủ trong giấy lụa và được làm từ mỡ hươu, dầu thầu dầusáp ong.[5] Trước đó, son môi còn được làm tại nhà.[8] Đến cuối năm 1890, trang điểm được tuyên bố hợp pháp và những catalo quảng cáo son môi xuất bản. Son môi trở nên phổ biến và có thể thấy chúng ở khắp mọi nơi.[2] Chấp nhận toàn vẹn việc sử dụng mỹ phẩm công khai ở Anh dường như đã trở thành mốt thời thượng của người Luân Đôn ít nhất vào năm 1921.[9]

Hoa Kỳ

Thế kỷ XIX, son môi được tô màu với thuốc nhuộm đỏ yên chi. Thuốc nhuộm yên chi được chiết xuất từ rệp son, loài côn trùng có vảy nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ, sống trên cây xương rồng. Côn trùng rệp son sản xuất axit carminic để ngăn chặn những loài côn trùng khác ăn thịt. Axit carminic, tạo thành 17% đến 24% trọng lượng của loài côn trùng khô, có thể chiết xuất từ cơ thể và trứng côn trùng. Trộn với muối nhôm hay canxi để làm nên thuốc nhuộm đỏ yên chi (còn được gọi là rệp son).[10]:36

Một ống son môi

Son môi này không hình thành ở dạng ống que; nó được tô thoa với một cái bàn chải. Thuốc nhuộm yên chi đắt đỏ và phong cách son môi màu yên chi được xem là không tự nhiên và cường điệu, vì vậy son môi không được tán thành để trang điểm hàng ngày. Chỉ có diễn viên nam và diễn viên nữ có thể nhận biết ngay khi họ trang điểm son môi. Năm 1880, vài nữ diễn viên sân khấu thoa son môi ở nơi công cộng.[11][12] Nữ diễn viên sân khấu nổi tiếng, Sarah Bernhardt, bắt đầu thoa son môi và má hồng nơi công cộng. Trước cuối thế kỷ XIX, phụ nữ chỉ áp dụng trang điểm tại nhà. Bernhardt thường thoa phết chất nhuộm yên chi lên môi cô trước công chúng.[10]:36

Trong những năm đầu thập niên 1890, yên chi được pha trộn với một chất nền dầu và sáp. Hỗn hợp đưa ra một cái nhìn tự nhiên và được chấp nhận hơn giữa phụ nữ. Tại thời điểm đó, son môi không được bán ở dạng vít chặt vào ống kim loại; mà được bán trong các ống giấy, giấy nhuộm màu, hoặc trong bình lọ nhỏ.[11] Cửa hàng Sears Roebuck đầu tiên chào bán phấn hồng cho môi và má vào cuối thập niên 1890.

Từ năm 1912, phụ nữ sành điệu Mỹ đã tiến đến xem xét việc chấp nhận son môi, mặc dù một bài viết trên tờ New York Times khuyên rằng cần thoa son một cách thận trọng.[13] Khoảng năm 1915, son môi được bán trong hộp kim loại hình trụ, vốn do Maurice Levy phát minh. Phụ nữ phải trượt một đòn bẩy nhỏ phía bên ống bằng cạnh móng tay để di chuyển thỏi son môi lên đến trên cùng hộp son,[14] mặc dù son môi trong hộp chứa kim loại đẩy hướng lên đã xuất hiện ở châu Âu kể từ năm 1911.[15]

Thập niên 1920, công thức sản xuất son môi phổ biến của Mỹ bao gồm côn trùng nghiền, sáp ong và dầu ô liu rất dễ trở mùi chỉ sau vài tiếng sử dụng. Trong giai đoạn này, đã có khoảng 50 triệu phụ nữ Mỹ sử dụng son môi. Năm 1923, son môi dạng ống xoay hướng lên đầu tiên được cấp bằng sáng chế bởi James Bruce Mason Jr. ở Nashville, Tennessee. Khi phụ nữ bắt đầu tô son môi để chụp ảnh, ngành nhiếp ảnh khiến son môi được chấp nhận rộng rãi ở phái nữ.[11] Elizabeth ArdenEstée Lauder bắt đầu bán son môi trong thẩm mỹ viện của họ.[12]

Thập niên 1930, Helena Rubinstein là công ty mỹ phẩm đầu tiên giới thiệu sản phẩm son môi có tác dụng chống nắng. Tạp chí thời trang Vogue khuyến khích phụ nữ nên sử dụng son môi một cách nghiêm túc, "hãy tô son như là một nghệ sĩ". Trong Thế chiến thứ hai, son môi không còn bị xem là thứ phù phiếm nữa, mà trái lại còn trở thành biểu tượng cho sức mạnh của người phụ nữ.

Thập niên 1940, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ống son môi kim loại được thay thế bằng ống nhựa và giấy. Son môi khan hiếm trong thời gian đó do bởi một số thành phần thiết yếu của son môi, dầu mỏdầu thầu dầu không có sẵn.:50 Chiến tranh thế giới thứ hai cho phép phụ nữ làm việc trong kỹ thuật và nghiên cứu khoa học, trong những năm cuối thập niên 1940, Hazel Bishop, một nhà hóa học hữu cơ ở New York và New Jersey, tạo ra son môi lâu bền đầu tiên, gọi là son môi không bay màu.[16] Với sự giúp đỡ của Raymond Specter, một nhà quảng cáo, kinh doanh son môi của Bishop phát triển mạnh. Chiến tranh kết thúc, các công ty lớn như Maybelline, Revlon, CoverGirl thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo son môi rầm rộ, đối tượng là nữ giới tuổi từ 16. Năm 1941, Mỹ đã chi 20 triệu đôla vào các sản phẩm son môi. Trước năm 1946, con số này đã lên đến 30 triệu đôla cho 5 nghìn tấn son. Đến cuối thập niên 1940, 90% phụ nữ Mỹ dùng son môi.

Thập niên 1950, những con số thống kê trong giai đoạn này cho biết, gần 100% nữ sinh Mỹ và 98% phụ nữ Mỹ sử dụng son môi. Các hãng hàng không cũng xem son môi là một phần trong đồng phục nữ tiếp viên. Công ty Estée Lauder đã đưa ra mẫu son dùng thử đầu tiên và những tặng phẩm đi kèm như son môi nhỏ, má hồng, phấn mắt và kem dưỡng da mặt khi mua các sản phẩm son môi.

Một dạng khác của màu môi, sáp lỏng, công thức lỏng nửa lâu dài, được công ty quốc tế Lip-Ink phát minh vào những năm 1990. Các công ty khác đã bắt chước ý tưởng, đưa ra phiên bản riêng của họ về "chất nhuộm môi" hoặc "màu môi lỏng" lâu dài.

Vài nơi khác

Cũng khoảng năm 3000 TCN đến 1500 TCN, phụ nữ thuộc văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại thoa son môi đỏ nhuộm màu để trang trí đôi môi của họ trên gương mặt.[17]. Vào thời kỳ vàng đạo Hồi, nhà thẩm mỹ Andalucia nổi tiếng, Abu al-Qasim al-Zahrawi (Abulcasis) phát minh ra son môi rắn, đó là thỏi thơm cuộn lại và ép vào mốc đặc biệt, ông mô tả chúng trong tác phẩm Al-Tasrif.[18] Những cô gái người Úc sẽ vẽ miệng màu đỏ với màu vàng nâu trong nghi lễ dậy thì.[19]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Son_môi http://www.bellasugar.com.au/2012-Critics-Choice-A... http://beauty.about.com/cs/1920sbeauty/p/20lips.ht... http://www.bestnudelipstick.com http://cleopatrasboudoir.blogspot.com/2014/01/char... http://www.enjoy-your-style.com/black-lipstick.htm... http://www.enjoy-your-style.com/history-of-lipstic... http://www.enjoy-your-style.com/white-lipstick.htm... http://www.fashion-era.com/make_up_part_2.htm http://health.howstuffworks.com/skin-care/beauty/s... http://inventorspot.com/articles/the_slightly_gros...